“Sao dạo này không thấy “老师”- “Lao shi” (lão sư) đến”
Là một câu nói Ms Đào sẽ nhớ mãi sau buổi chiều dạy tại lớp tiếng Hoa mầm non ấy.
Ms Đào hiện đang là sinh viên năm ba trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Sư phạm tiếng Trung. Ms Đào chia sẻ, chị rất yêu thích trẻ em. Được giảng dạy, được trò chuyện, được cùng các con khám phá những vùng đất kiến thức mới là công việc chị hằng mơ ước.
Tuy nhiên, những kiến thức mà chị có được từ môi trường Đại học chỉ đơn thuần là những kiến thức mang tính khái quát và chú trọng đến đối tượng là học viên mong muốn học tiếng Trung như ngôn ngữ thứ hai. Ms Đào cảm thấy nếu tiếp tục như vậy thì bản thân sẽ không có được những kỹ năng để đáp ứng được đối tượng học viên mà chị mong muốn là các con mầm non. Vì thế chị quyết định đi tìm một môi trường có thể giúp chị trau dồi và có thêm được những kinh nghiệm khi dạy các con nhỏ. Và All in One (AIO) là điểm đến mà Ms Đào đã lựa chọn.
Ban đầu Ms Đào còn trăn trở rất nhiều. Chị không biết liệu kỹ năng, kinh nghiệm và năng lượng của mình có phù hợp cho các con ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Việc dạy các con ở độ tuổi mầm non đòi hỏi người giáo viên phải hiểu tâm lý các con để đưa ra phương pháp tiếp cận và hoạt động phù hợp. Đối với Ms Đào thì thử thách lớn nhất mà chị gặp phải là các con không tập trung được nếu giáo viên dạy kiểu “cô bảo – trò nghe”. Hiểu được điều này, trong quá trình tập huấn tại AIO, Ms Đào đã không ngừng trau chuốt đến các kỹ thuật thu hút, duy trì sự tập trung và phương pháp truyền đạt cho các con.
Thời gian đầu khi đến với AIO, ngoài những buổi đào tạo, tập huấn các phương pháp giảng dạy và quản lý lớp, Ms Đào còn phải luyện tập soạn giáo án cho từng lớp mầm non mà mình sẽ đảm nhận. Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, thời gian tập trung của các con từ 3-8 tuổi chỉ có khoảng 8 phút. Để xua tan sự buồn tẻ trong giờ học của các con, theo bài nghiên cứu của David K. & Hollowell J., Inventing and Playing Games in the English Classroom (Phát minh và chơi trò chơi trong lớp học tiếng Anh) của Đại học Oxford thì vào năm 1979, nhà nghiên cứu Lee đã nhắc đến khái niệm “trò chơi ngôn ngữ”. Thay vì yêu cầu các con ngồi yên trên bàn học, điều cần làm là tạo ra môi trường học tập vui vẻ làm tăng sự hứng thú của các con đối với việc học, khiến các con luôn sẵn sàng tham gia tương tác với cô và các bạn, thực tế là tham gia vào các bài học ngoại ngữ được lồng trong các hoạt động thể chất.
Một buổi học của các lớp mầm non kéo dài 30 phút, tuy nhiên lại cần thời gian chuẩn bị ít nhất 3 giờ đồng hồ, từ bước lên giáo án, chuẩn bị trò chơi ngôn ngữ và luyện tập tương tác với học viên giả định trong các lớp dạy thử tại AIO. Ms Đào khi đến các lớp dạy thử cũng đều chuẩn bị kỹ lưỡng các yếu tố cần thiết cho tiết học của mình, từ bài hát để dẫn vào bài học, ảnh màu để giới thiệu từ vựng, cho đến tranh vẽ để tô màu ôn tập từ vựng vừa học xong. Vì hơn ai hết Ms Đào hiểu, cần một sự nỗ lực lớn lắm để làm nên một buổi học hiệu quả và thoải mái, điều sẽ giúp các con đạt được kết quả như mong đợi.
Có những buổi dạy thử chỉ với 2 học viên giả định tại AIO mà mồ hôi lấm tấm trên trán Ms Đào thì đủ hình dung được cô giáo ấy trong một buổi dạy thực tế với một lớp tầm 10 bé sẽ tốn biết bao nhiêu năng lượng. Khi một học viên giả định tại AIO lo lắng Ms Đào sẽ không đủ sức chiều đứng lớp, Ms Đào vẫn vui cười và nói rằng chị nói nhiều sẽ không bị đau họng đâu vì chị biết cách lấy hơi từ bụng lên. Đôi giọt mồ hôi vẫn thánh thót trên gương mặt chị, nhưng cô giáo trẻ đã không những hoàn thành trọn vẹn buổi dạy thử ấy, mà còn đến với lớp mầm non buổi chiều với một trò chơi, một câu hát, một bài học mà các con phấn chấn không thể thích hơn.
Sau này, khi đã quen với vị trí giáo viên tiếng Hoa bậc mầm non, một lần được hỏi kỷ niệm nào trong quá trình dạy mà chị cảm thấy đáng nhớ nhất và mỉm cười rất tươi khi nghĩ lại, Ms Đào đã nói về một cậu học trò dù nhỏ nhắn nhưng khiến trái tim chị muốn tan chảy vì hành động của cậu.
Hôm đấy là một buổi chiều kết thúc bằng tiết dạy của Ms Đào, như những bạn nhỏ khác khi thấy phụ huynh đón thì chạy ùa ra ngay. Thế nhưng cậu học trò nhỏ này trước khi ra về thì bạn lại đến từng thầy cô chào bằng một cái ôm rất ấm áp. Phụ huynh bạn nhỏ này còn nói với Ms Đào rằng, ở nhà hôm qua con đã hỏi mẹ: “Sao dạo này không thấy “老师”- “Lao shi” (lão sư) đến” (lớp bé học tiếng Hoa hai buổi vào đầu tuần và giữa tuần). Những câu nói, hành động tưởng chừng rất nhỏ ấy nhưng lại khiến Ms Đào càng cảm thấy yêu nghề và gắn bó với nghề hơn.
Thử thách thì công việc nào chẳng có, nhưng hạnh phúc mà nghề giáo đem lại khiến hai chữ “từ bỏ”, dù thế nào, cũng không bao giờ có trong từ điển của Ms Đào.
Theo ALL IN ONE